Kiến Thức Cơ Bản

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Đã bao giờ bạn tự hỏi những chỉ số ghi trên tuýp kem chống nắng của bạn có ý nghĩa như thế nào chưa? Và bạn có biết rằng, thành phần cồn khô trong kem chống nắng có khả năng đẩy nhanh tốc độ lão hóa trên da bạn? Cùng khám phá tuýp kem chống nắng đồng hành cùng bạn hàng ngày nào.

 

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Cùng khám phá tuýp kem chống nắng đồng hành cùng bạn hàng ngày nào


6. Kem chống nắng chỉ số SPF30 thì bảo vệ da tốt gấp đôi SPF 15?


Kem chống nắng có chỉ số SPF30 sẽ bảo vệ da bạn tốt hơn kem chống nắng có chỉ số SPF15, tuy nhiên nó chỉ tốt hơn ở góc độ là tỉ lệ phần trăm tia UV mà kem chống nắng SPF30 ngăn chặn được cao hơn kem chống nắng SPF15, chứ không phải là gấp đôi. Các bạn xem hình bên dưới để hiểu thêm nhé.

 

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Biểu đồ mối quan hệ giữa chỉ số SPF và tỉ lệ phần trăm tia UV ngăn chặn được


Như hình minh họa đã chỉ rõ, SPF càng cao thì tỉ lệ phần trăm tia UVkem chống nắng đó ngăn chặn được càng nhiều nhưng mức tăng không tỉ lệ thuận với độ SPF.

Ví dụ: SPF15 tương đương với tỉ lệ 93% tia UV được ngăn chặn nhưng SPF30 thì chỉ tăng lên được đến 97% mà thôi.

Và quan trọng nhất là không có kem chống nắng nào bảo vệ bạn được khỏi 100% tia UV. Các chuyên gia thường khuyến khích chúng ta chỉ nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 50, ngoài ra nên “bao trùm” cẩn thận khi đi ra nắng là ok.

 

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)


 Nhớ "bao gói" cẩn thận trước khi ra nắng bạn nhé!


7. Mình có thể bôi kem chống nắng vật lý cùng lúc với kem chống nắng hóa học để tăng khả năng bảo vệ da không?


Không nên chút nào bạn nhen, chúng ta không biết được chắc chắn rằng các chất trong tuýp kem này có thể có phản ứng gì với các chất trong tuýp kia hay không và việc trộn chung như vậy cũng không có gì đảm bảo rằng khả năng bảo vệ da bạn tăng lên hay là ngược lại, chúng có gây kích ứng trên da hay không.

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Không nên trộn chung kem chống nắng vật lý với hóa học khi sử dụng bạn nha


8. Mình nghe nói thành phần aloe vera trong kem chống nắng có khả năng làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng?


Đúng. Lô hội có tính chất tẩy sạch và làm bong tróc các biểu bì sừng, tái tạo tế bào mới, và khi các tế bào mới này tiếp xúc với ánh nắng và các tia UV thì có thể dẫn đến việc bị nám, sạm da. Đó là lí do mà các bạn chỉ nên sử dụng lô hội và các sản phẩm chiết xuất lô hội vào ban đêm.


Đối với kem chống nắng, lô hội có thể được thêm vào với công dụng làm dịu da, tuy nhiên chúng chỉ an toàn nếu ở tỉ lệ thấp, hoặc dễ nhớ hơn là khi chúng nằm ở phía cuối bảng thành phần. Đối với những sản phẩm kem chống nắng mà có tỉ lệ Aloe Vera trên 3% hoặc nằm đầu bảng thì các bạn nên cẩn thận nhé!
 

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Lô hội trong kem chống nắng chỉ an toàn nếu ở tỉ lệ thấp

  
9. Hilamdep có thể gợi ý cho mình một vài thành phần tốt và không tốt có trong kem chống nắng được không?


:) Thực ra chúng mình cũng không phải là chuyên gia về hóa học hay y, dược sĩ để có thể tư vấn chất này tốt và chất này không tốt cho các bạn được. Bên cạnh đó, dù chất này tốt nhưng sẽ có khả năng là bạn vẫn không dùng được vì tất cả còn phụ thuộc vào việc da bạn hợp hay không hợp với chất đó. Chúng mình chỉ cố gắng hết sức chia sẻ những gì mà chúng mình biết đến các bạn thôi.


Với câu hỏi này, mình nghĩ đến 1 thành phần KHÔNG NÊN và 1 thành phần NÊN xuất hiện trong kem chống nắng, mà mình được biết.


KHÔNG NÊN: Retinyl Palmitate. Đây là một dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng trên da bạn tương tự như Retinol, kích thích sự hình thành các tế bào mới. Các nhà sản xuất thường đưa chúng vào các sản phẩm dưỡng da với mục đích là làm chậm quá trình lão hóa da. Tuy nhiên, tác dụng này của Retinyl Palmitate chỉ phát huy tốt trong các sản phẩm dưỡng da ban đêm, còn với các sản phẩm dùng ban ngày, trong đó có kem chống nắng, thì chúng có thể bị phản tác dụng và gây ra các hậu quả không mong muốn chút nào. Không chỉ gây nám, sạm da do các tế bào mới hình thành bị tiếp xúc với ánh mặt trời mà chúng còn có thể dẫn đến nguy cơ gây ung thư da.
Đọc thêm tại đây

 

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Retinyl Palmitate là thành phần không nên có trong kem chống nắng

 

NÊN: Silicones. Vâng chính xác là silicones đấy ạ. Mình biết nhiều bạn có ác cảm với silicones và tránh chúng càng xa càng tốt trong tất cả các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đối với kem chống nắng thì lại khác. Silicones là một chất cần thiết và tốt cho bạn nếu chúng ở trong kem chống nắng. The Skincare Junkie cũng đã từng viết về vấn đề này, mình xin trích lại như sau:


Silicone cũng đóng vai trò khá quan trọng trong kem chống nắng giúp cải thiện tính thẩm mỹ và tránh cho các thành phần này thấm quá sâu vào da. Đặc biệt với kcn vật lí được các nhà sản xuất bọc Silicone (silicone-coating) còn giúp giảm hiện tượng quang xúc tác (photocatalysis ) có thể gây nên các gốc tự do có hại cho da khi tiếp xúc với nắng.


Silicones hiện diện trong các sản phẩm dưới những cái tên sau: Dimethicone, methicone, polyhydroxystearic acid; Triethoxycaprylylsilane, Crosspolymer, Copolymer; Silica; Aluminum hydroxide; Octyldodecyl neopentanoate.

Mình cũng nhắc lại rằng, silicones có thể rất tốt khi có mặt trong kem chống nắng nhưng nếu da bạn không hợp với silicones thì cũng đừng cố gắng sử dụng chúng nhé, có khi hại nhiều hơn lợi thì toi. :(

 

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Nếu da bạn không hợp với silicones thì cũng đừng cố gắng sử dụng chúng nhé

 

10. Các loại kem chống nắng giá bình dân hiện nay đa phần đều có cồn, mà mình nghe nói không nên dùng các sản phẩm chứa cồn vì không tốt cho da về lâu dài, có đúng không ạ?

 

Đúng mà không đúng. Vì sao?

Đúng là vì cồn trong kem chống nắng (và các sản phẩm khác) ở tỉ lệ cao sẽ phá hủy lớp màng dưỡng ẩm tự nhiên của da khi dùng lâu dài, ngoài ra chúng cũng gây ức chế sự chuyển hóa vitamin A trên da, làm chậm quá trình sản sinh tế bào mới, khiến da bạn nhanh bị “già” đi. Tuy nhiên, đó chỉ là tác hại của drying alcohol khi ở tỉ lệ cao, các chất này thường có trong sản phấm với những cái tên sau: ethanol, methanol, alcohol, ethyl alcohol, alcohol denat, benzyl alcohol, isopropyl alcohol và những loại SD alcohol.

Còn một loại cồn khác nữa mà “vô tình” bị tiếng oan chung với drying alcohol, đó là fatty alcohol (hay còn gọi cồn béo). Cồn béo thường an toàn và ít gây kích ứng, dùng để làm mềm và dưỡng ẩm da, là loại cồn có lợi và rất hợp cho các bạn da khô. Bạn có thể tìm fatty alcohol dưới những cái tên sau: cetyl alcohol, cetearyl alcohol, stearyl alcohol, behenyl alcohol và myristyl alcohol.

Như vậy, cồn có trong kem chống nắng không hẳn là điều xấu, còn tùy vào loại cồn và đặc điểm da của bạn nữa mới có thể biết rằng kem chống nắng chứa cồn đó là tốt hay không tốt bạn nha.

10 Câu Hỏi Thường Gặp Về Kem Chống Nắng (Phần 2)

Cồn có trong kem chống nắng không hẳn là điều xấu


Phew, kem chống nắng nghe đơn giản nhưng cũng thật rắc rối phải không ạ :) hi vọng rằng đọc xong 10 câu hỏi tổng hợp này, các bạn sẽ không còn “rối” nữa. Nếu vẫn còn thắc mắc, đừng quên comment bên dưới cho Hilamdep nhé!

Bạn có thể xem lại Phần 1 tại đây.

Nam Phương

(Nguồn ảnh: Internet)

Chia sẻ bài viết

Bài viết tương tự


Bình luận