Suốt hơn 2 thế kỷ diễn ra trên thế giới và được hưởng ứng toàn cầu chỉ hơn 1 thế kỷ nay, Black Friday vẫn còn ẩn chứa đằng sau nó nhiều câu chuyện và nguồn gốc thú vị ít ai biết. Mỗi khi nhắc đến “Thứ 6 đen tối” người ta thường nghĩ ngay đến dịp các cửa hàng đồng loạt sale mạnh và hàng ngàn con người đổ xô nhau mua sắm cuối năm. Ít ai biết rằng “Black Friday” đã từng là sự kiện để 1 cừa hàng cảm ơn khách hàng và cứu vãn “khủng hoảng” kinh tế.
Trước thềm Black Friday vài ngày, các nàng cùng Hilamdep khám phá nguồn gốc cũng như những câu chuyện thú vị đằng sau ngày hội mua sắm lớn nhất toàn cầu này nhé!
Lễ Tạ Ơn Mới Chính Là Điểm Bắt Đầu
Để hiểu được vì sao Lễ Tạ Ơn lại là lễ lớn, bắt đầu cho ngày hội mua sắm của rất nhiều nước trên thế giới thì chúng ta phải điểm qua ý nghĩa, lịch sử của ngày lễ này nha. Theo đó, Lễ Tạ Ơn là một ngày quan trọng được tổ chức hằng năm tại Mỹ và Canada với nghĩa tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho con người cuộc sống no đủ và an lành. Trải qua rất nhiều thời gian, Lễ Tạ Ơn được ấn định sẽ diễn ra vào ngày thứ năm, thuộc tuần cuối cùng của tháng 11.
Tộc người Pilgrims là cội nguồn của Lễ Tạ Ơn (Nguồn: Wiki)
Lễ Tạ Ơn đầu tiên được diễn ra tại thuộc địa Plymouth bởi tộc người Pilgrims ở Anh. Vào thế kỷ 16 – 17, tộc người Pilgrim bị hoàng đế bắt cải tạo đạo để theo tôn giáo của ông nhưng những người này không chấp nhận và bị giam tù nhiều năm sau đó và khi được thả họ bị hoàng đế ép rời khỏi nước Anh. Họ lang bạt sang Hà Lan rồi đến Châu Mỹ nhưng gặp phải mùa đông, chỉ có đói và rét. Thế nhưng may mắn sau đó họ gặp được thổ dân da đỏ tốt bụng.
Dần dà người Mỹ bắt đầu truyền thống mừng Lễ Tạ Ơn và mua sắm (Nguồn: Wiki)
Những thổ dân đã chỉ dạy họ cách sinh tồn như trồng hoa màu, săn bắt… Khi người Pilgrims đã có thể tự lo cho bản thân, họ tổ chức một buổi tiệc để tạ ơn Chúa Trời vì đã cho họ có thể sống đến ngày hôm nay, họ mời những người da đỏ cùng ăn uống vui vẻ. Từ đó về sau, hàng năm con cháu của người Pilgrims đều tổ chức lễ tạ ơn để cảm ơn những gì tốt đẹp đến với cuộc sống của họ. Mãi đến năm 1621, Lễ Tạ Ơn bắt đầu xuất hiện tại Mỹ và trở thành lễ có ý nghĩa về sự đoàn viên.
“Black Friday” Là Ngày Hội Mua Sắm Cải Thiện Khủng Hoảng
Lễ Tạ Ơn sau khi trở thành ngày lễ truyền thống của Mỹ thì đi kèm vào đó là những câu chuyện, hoạt động mừng ngày lễ này khác nhau qua rất nhiều thời gian. Cũng từng có thuyết nói rằng, nếu sau Lễ Tạ Ơn mà đi mua nô lệ vào ngày thứ sáu sau đó thì sẽ được giảm giá. Tuy nhiên điều người Mỹ vẫn nhớ hơn cả là các buổi diễu hành mừng Lễ Tạ Ơn của các nhà bán lẻ và sau đó là mở ra chuỗi ngày hội mua sắm.
Lễ diễu hành mừng Lễ Tạ Ơn của các cửa hàng bán lẻ (Nguồn: Wiki)
Sự kiện mua sắm này được khởi xướng lần đầu tiên kể từ sau cuộc diễu hành của chuỗi cửa hàng bách hóa Macy’s tại New York vào năm 1924. Cốt ý của họ là dùng cuộc diễu hành để quảng cáo cũng như giảm giá các mặt hàng của họ nhằm gửi lời cảm ơn đến với khách hàng. Sự kiện đó đã kéo theo rất nhiều nhà bán lẻ khác cũng nhanh chóng tận dụng hiệu ứng của cuộc diễu hành để quảng bá cửa hàng của họ. Từ đó ngày khởi điểm cho mùa mua sắm ra đời.
Lễ diễu hành mừng Lễ Tạ Ơn của cửa hàng Macy’s năm 1924 (Nguồn: AP)
Cảnh tượng người dân mua hàng đông đúc tại bách hóa Macy’s năm 1924 (Nguồn: Bussiness Insider)
Kéo dài suốt mấy năm và lan rộng toàn cầu nhưng đại khủng hoảng tài chính năm 1929 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Trước sức ép khủng hoảng kéo dài cả thập kỷ, các nhà bản lẻ đã yêu cầu tổng thống Franklin D. Roosevelt dời Lễ Tạ Ơn sớm hơn 1 tuần vào năm 1939 vì Lễ Tạ Ơn năm đó rơi vào 30/11 tức người dân chỉ có 1 tháng để chuẩn bị Giáng Sinh.
Việc dời lễ sớm 1 tuần sẽ kéo dài thời gian mua sắm, thúc đẩy doanh số nên ông đã chấp thuận vì nghĩ rằng sự thay đổi này sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế quốc gia.
Tổng thống Franklin thông qua dự luật ấn định Lễ Tạ Ơn sẽ diễn ra sớm hơn 1 tuần (Nguồn: Bussiness Insider)
Mãi đến năm 1941, tổng thống Franklin đã thông qua dự luật ấn định Lễ Tạ Ơn sẽ diễn ra vào thứ 5 của tuần thứ 4 tháng 11, như vậy người dân sẽ có nhiều thời gian mua sắm và thị trường cuối năm cũng sẽ khả quan hơn. Như vậy ngày hội mua sắm này thực chất là sự kiện nhằm cải thiện tình trạng khủng hoảng tài chính tại nước Mỹ thời điểm bấy giờ.
Ngày hội mua sắm sau Lễ Tạ Ơn thực chất là cứu nguy cho khủng hoảng kinh tế lúc bấy giờ (Nguồn: Bussiness Insider)
Ý Nghĩa Của Cụm Từ “Black Friday”
Vào những năm 1950, cụm từ “Black Friday” vẫn chưa được hoàn thiện và hiện thực hóa mặc dù nước Mỹ vẫn giữ truyền thống mua sắm sau ngày Lễ Tạ Ơn. Tuy nhiên, lúc này “Black Friday” lại được dùng để diễn tả hiện tượng mua sắm đặc biệt vào thời điểm này. Theo đó, trận bóng bầu dục giữa hai đội Army Black Knights và Navy Midshipmen sẽ được tổ chức tại thành phố Philadephia vào thứ 7 sau Lễ Tạ Ơn.
Trận bóng được mong chờ nhất tại Philadephia (Nguồn: Classic Stock)
Trước thềm sự kiện thể thao được mong chờ nhất, một lượng người khổng lồ đã đổ về thành phố Philadephia để mua sắm và chờ xem trận đấu khiến lượng người du lịch tăng lên đột biến, các cảnh sát tại đây phải tăng ca, không thể nghỉ ngơi chỉ để kiểm soát tình trạng hỗn loạn. Từ đó, người Mỹ gọi ngày thứ 6 “hỗn loạn” ấy là “Black Friday” – khái niệm được dùng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1869. Sau đó, các thương gia Philadephia đã sử dụng thuật ngữ này.
Dòng người đổ về thành phố Philadephia để mua sắm và xem trận bóng (Nguồn: Bussiness Insider)
Cuối thập niên 1980, các nhà bán lẻ đã quyết định biến thuật ngữ “Black Friday” thành cơ hội kinh doanh khi nhìn thấy tiềm năng khổng lồ từ việc mọi người tích cực mua sắm cho mùa lễ hội cuối năm lớn như thế nào. Cũng từ đó, khái niệm “going into the black” ra đời như một tiêu chí phấn đấu của các nhà bán lẻ dựa theo những ghi chép của các thương gia, trong đó, màu đỏ biểu thị cho số lỗ và màu đen lại đại diện cho phần lợi nhuận.
Sự Phát Triển Của “Black Friday” Qua Nhiều Thập Kỷ
Vào thập niên 90, “Black Friday” chưa bùng nổ như một hiện tượng toàn cầu mà chỉ được xem là ngày mua sắm đặc biệt. Bước sang những năm 2002, “Black Friday” mới “soán ngôi” ngày thứ 7 trước Lễ Giáng Sinh để trở thành sự kiện mua sắm lớn nhất mùa lễ hội cuối năm. “Black Friday” thật sự là một chuyến đi săn đầy cạnh tranh của rất nhiều người bởi cũng từ đây hành động “camp” qua đêm trước cửa các trung tâm mua sắm cũng được sinh ra.
Những năm sau này “Black Friday” trở thành ngày “đi săn” đồ giá hời một cách khủng khiếp (Nguồn: Consumer Report)
Hàng loạt những cửa hàng đều thấy cảnh người dân đứng “camp” trước cửa rất nhiều tiếng (Nguồn: Time)
Rất nhiều người đã không ngần ngại để trở thành người đầu tiên chạm tay vào những món hàng giá hời từ đồ gia dụng, điện tử cho đến thời trang, mỹ phẩm. “Cơn sốt” của “Black Friday” còn lan rộng sang các nước không thường mừng Lễ Tạ Ơn như Brazil, Anh,... Mãi đến năm 2008, đại suy thoái kinh tế lại diễn ra và đến năm 2010 thì các nhà bán lẻ đã phải tung ra thị trường nhiều sản phẩm với mức giá cực thấp. Thậm chí chiến lược chung của họ là bắt đầu bán vào tối thứ 4.
Từ đó, cụm từ “White Wednesday” và “Grey Thursday” ra đời dùng để chỉ những ngày mua sắm nhộn nhịp trước “Black Friday”.
Rất nhiều cửa hàng vì cạnh tranh đã sale “khủng” (Nguồn: Telegraph)
Và rồi người ta bắt đầu thấy rằng kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn đã bị biến trở thành “cuộc đua” về thương mại, tuy nhiên cùng với đó sự canh tranh giữa các nhà bán lẻ, các thương hiệu ngày càng khắc nghiệt hơn. Để có thể tồn tại trên thị trường và thu hút một lượng lớn khách hàng, các thương hiệu phải mang lại sản phẩm chất lượng mà giá thành cực thấp cũng như thời gian mở cửa kéo dài hơn. Có những cửa hàng mở cửa từ 7h sáng cho đến nửa đêm, hoặc liên tục hoạt động trong 41 giờ.
Các cửa hàng phải liên tục hoạt động hoặc mở cửa kéo dài hơn bình thường (Nguồn: Time)
Tuy nhiên những cảnh tượng như thế này chỉ kéo dài được đến trước những năm gần đây (Nguồn: Telegraph)
Sau nhiều năm, các chiến lược bán hàng online dần trở nên thịnh hành và phổ biến hơn bất kể thời điểm nào, việc doanh số bán hàng không còn phụ thuộc vào 24 giờ mở cửa sau Lễ Tạ Ơn nữa, thì ngày “Black Friday” cũng dần mất đi “chất” đặc trưng và độ phổ biến của mình. Những năm gần đây, nhiều cửa hàng hoàn toàn không có cảnh tượng chen chúc, xếp hàng mua sắm ngày “Black Friday”. Các thống kê còn cho thấy chỉ có 102 triệu người đến mua sắm tại các cửa hàng.
Số lượng người mua hàng trực tiếp giảm đi đáng kể (Nguồn: Mall Of America)
Nhưng điều này không có nghĩa là “Black Friday” đã bắt đầu thoái trào vì không mua sắm theo cách truyền thống nữa, người dân bắt đầu “cuộc săn” của mình trên các trang web và mua sắm online. Thậm chí, theo ghi nhận của Bussiness Insider, mua sắm trực tuyến tại nước Mỹ đã thu về 2,9 tỷ đô la trong dịp Lễ Tạ Ơn năm ngoái. Ngoài ra các cửa hàng bán lẻ cũng nhanh chóng hưởng ứng theo ngày Black Friday với các mặt hàng giảm giá online đến kịch sàn.
Tuy không còn quá nhiều người mua trực tiếp nhưng lượng người mua online tăng nhanh chóng (Nguồn: Getty Images)
Đến nay cụm từ “Black Friday” cũng chỉ còn để biệu thị cho “cuộc săn” online của mọi người. Không nhất thiết đến đúng ngày thì các cửa hàng, thương hiệu mới sale mạnh mà hầu hết đều bắt đầu sale vào những tuần thứ 2, thứ 3 của tháng 11. Tùy vào hình thức sale mà mọi người chọn thời điểm để mua sắm, có những web sale từ 20% vào tuần thứ 2 cho đến 50%, 80% vào tuần có “Black Friday”. Hoặc cũng tùy vào mặt hàng, món đồ mà mọi người cũng chăm chú canh sale online hơn.
Vân Du
Nguồn hình: Internet
Nguồn thông tin: Bussiness Insider