Trong những loại sẹo mụn thì sẹo rỗ là một “ca” khó bởi chúng rất cứng đầu và khó điều trị. Vậy bản chất thực sự của sẹo rỗ là gì? Sẹo rỗ có thực sự có giải pháp điều trị? Hãy lướt chuột xuống dưới để tìm hiểu “tất tần tật” về sẹo rỗ cùng Hilamdep nhé.
Nguyên nhân hình thành sẹo rỗ
Trong quá trình da tự làm lành các tổn thương do mụn gây ra, cơ thể có thể sản xuất không đủ collagen cần thiết. Sự thiếu hụt collagen sẽ kéo lớp da trên bề mặt dính với cấu trúc biểu bì ở sâu hơn, làm da bị lõm xuống, tạo ra những lỗ nhỏ trên bề mặt. Tổn thương do mụn càng lớn thì sẹo càng sâu và càng khó điều trị hơn.
Sẹo rỗ gây mất thẩm mĩ.
Sẹo rỗ có mấy loại?
** Có thể phân sẹo rỗ ra làm 3 loại:
- Sẹo lõm chân đá nhọn (icepick scar): Sẹo lõm chân đá nhọn là loại sẹo rất sâu và hẹp. Rất nhiều người thường hay nhầm lẫn sẹo lõm chân đá nhọn với lỗ chân lông to.
Hình ảnh sẹo chân đá nhọn.
- Sẹo lõm chân tròn (rolling scar): là những vết sẹo có các cạnh tròn với diện tích rộng và nông. Khi da bị lão hóa và mất đi độ đàn hồi, những vết sẹo trở nên rõ thấy hơn.
Hình ảnh sẹo lõm chân tròn.
- Sẹo lõm chân vuông (boxcar scar): là dạng sẹo hình tròn hoặc hình oval có viền dốc lõm xuống.
Hình ảnh sẹo lõm chân vuông.
Các phương pháp điều trị
1. Điều trị tại nhà
Do sự thiếu hụt collagen trong quá trình tự chữa lành vết thương của da sẽ gây nên sẹo lõm cho nên việc sử dụng các mỹ phẩm chăm sóc da có khả năng tăng sinh collagen sẽ giúp nâng đỡ và làm mờ sẹo lõm. Những thành phần mĩ phẩm có khả năng kích thích collagen thường được yêu thích là vitamin C, retinoids, peptide,…
Ngoài ra, tia UVA từ ánh nắng mặt trời sẽ xuyên sâu xuống làn da và phá hủy cấu trúc hỗ trợ collagen sâu dưới da nên việc chống nắng cho da là cực kì cần thiết. Thêm vào đó, một chế độ ăn ngủ khoa học sẽ là nhân tố giúp giảm suy thoái cũng như kích thích sản xuất collagen trong cơ thể.
Việc chăm sóc da tại nhà sẽ tăng khả năng phục hồi cho da khi bị sẹo lõm.
Tuy nhiên, do sẹo rỗ là một tổn thương nặng đối với cấu trúc biểu bì của da nên việc chăm sóc da tại nhà sẽ không thể khiến sẹo lõm biến mất hoàn toàn và kết quả trông thấy cũng rất chậm. Tuy vậy đây là những điều nên làm để hỗ trợ điều trị sẹo lõm được nhanh hơn, hiệu quả hơn.
2. Bổ sung collagen bằng thực phẩm
Một số người gặp khó khăn trong việc điều trị sẹo lõm vì cơ địa người đó thiếu hụt collagen. Hệ thống chất nền collagen, elastin quá mỏng, yếu khiến khiến cơ chế tự sản sinh, chữa lành của các tế bào biểu bì diễn ra chậm chạp, sẹo lâu lành. Khi đó việc bổ sung collagen cho cơ thể sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này, giúp việc trị liệu sẹo lõm hiệu quả hơn.
Rất nhiều loại trái cây có chứa collagen.
3. Công nghệ cao
Có thể thấy sẹo lõm dù ở dạng nào cũng không dễ để điều trị vì vậy việc đi đến các spa, clinic uy tín để được các bác sĩ xác định tình trạng da và áp dụng các công nghệ tiên tiến để chữa trị sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất.
** Tiêm filler, chất làm đầy: Bằng việc lựa chọn một chất filler an toàn, phù hợp hoặc sử dụng chính collagen, mỡ của bệnh nhân bác sĩ sẽ làm đầy vết sẹo lõm của bạn. Phương pháp này thường chỉ đem lại kết quả tạm thời (nửa năm tới một năm) và phải tiêm đi tiêm lại nhiều lần. Tuy nhiên cũng có chất làm đầy đem lại tác dụng vĩnh viễn. Cả hai loại chất làm đầy đều có ưu, nhược điểm riêng và chỉ được thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.
Cần có sự tư vấn của bác sĩ khi lựa chọn tiêm chất làm đầy.
** Mài da vi điểm (micro-dermabrasion): Phương pháp này sẽ dùng những tinh thể như oxit nhôm được truyền qua một vòi phun để mài mòn lớp sừng trên bề mặt da, loại bỏ tế bào chết hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp mài da vi điểm là nó có thể được lặp lại trong khoảng thời gian ngắn, không đau, không cần gây tê, và ít tác dụng phụ nhưng nó cũng có hiệu quả thấp hơn và không điều trị sẹo lõm sâu.
Mài da vi điểm giúp bề mặt da phẳng hơn, da mềm mại, mịn màng hơn.
** Thay da hóa học (chemical peel): Thay da hóa học là quá trình sử dụng các chất tẩy tế bào chết hóa học trên da để lấy đi lớp da ngoài cùng, thúc đẩy quá trình tẩy da chết thông thường, tạo cơ hội cho các vùng sẹo lõm tham gia vào việc tái cấu trúc bề mặt. Các chuyên gia sẽ chọn cho bạn các hóa chất khác nhau tùy vào độ sâu mà bạn muốn tác động.
Cũng như phương pháp mài da vi điểm, thay da hóa học giúp bề mặt da bằng phẳng, mịn màng hơn nhưng chỉ thích hợp với vết sẹo nhẹ. Quá trình hồi phục da cũng không quá lâu so với các phương pháp khác (khoảng 2 tuần).
Để thay da hóa học tác động đủ sâu giúp điều trị sẹo lõm, bạn nên tìm đến các phòng khám da liễu.
** Lăn kim: Cơ thể chúng ta có một cơ chế tuyệt vời, đó là cơ chế bảo vệ và tái tạo. Lăn kim thực chất là biện pháp để thúc đẩy quá trình này. Khi lăn kim trên da, các đầu kim sẽ tạo ra những vi vết thương đủ để kích thích cơ thể tăng sinh các tế bào da, giúp làm đầy sẹo lõm.
Ngoài ra, phương pháp lăn kim còn được cho rằng sẽ giúp da tăng khả năng hấp thụ các tinh chất từ serum, kem dưỡng. Do đó, nên kết hợp phương pháp bôi thoa tại nhà trong khi lăn kim một cách hợp lí để tăng hiệu quả của việc điều trị sẹo lõm. Để tìm hiểu thêm về lăn kim, bạn có thể tham khảo bài viết Lăn kim – chìa khóa tuổi thanh xuân.
Lăn kim có khả năng thúc đẩy sản sinh collagen.
** Laser: Đối với các trường hợp bị sẹo rõ thì loại laser bắn bong (ablative laser) sẽ được khuyên dùng. Trong phương pháp này, các tia laser sẽ loại bỏ lớp da trên cùng, giúp các lớp da bên dưới co lại và đồng thời sản sinh collagen.
Do đem lại hiệu quả mạnh mẽ hơn so với loại laser bắn không bong (non – ablative laser) nên laser bắn bong cũng sẽ gây ra bỏng, rát, các tác dụng phụ nhiều hơn. Thêm vào đó, bạn cũng cần chuẩn bị quá trình chăm sóc da trước và sau khi bắn laser một cách kĩ lưỡng, bởi điều này quyết định phần lớn hiệu quả.
Laser là một lựa chọn phổ biến để điều trị sẹo lõm.
Làm gì để ngăn ngừa sẹo lõm ?
Có thể thấy sẹo lõm sau mụn là tình trạng không dễ gì để trị liệu, thậm chí đối với sẹo lõm dạng nặng, lâu năm thì khó có thể cải thiện hoàn toàn. Do vậy, phòng hơn tránh, sau đây là những lưu ý để bạn tránh mắc phải bài toán khó – sẹo lõm:
- Thực hiện một quy trình chăm sóc da đúng và khoa học: một quy trình chăm sóc da chuẩn có thể giúp bạn ngăn ngừa tối đa việc bị mụn và tất nhiên là khả năng bị sẹo lõm sau đó.
- Điều trị mụn đúng cách: Khi bị mụn bạn cần điều tra nguyên nhân để có thể tìm ra phương pháp điều trị đúng đắn nhất. Đặc biệt bạn cần cẩn trọng với mụn dạng viêm, bởi chúng có khả năng để lại sẹo lõm rất cao. Để nhận mặt các loại mụn cũng như cách chữa trị, tham khảo bài viết Gọi tên “Anh em nhà mụn” và cách đối phó từng loại".
- Tránh nặn mụn: Nặn mụn sai cách có thể gây ra tình trạng viêm, mụn sẽ phát triển lớn hơn lan cả các vùng da xung quanh và khiến sẹo lõm xuất hiện.
Nặn mụn không đúng cách có thể gây ra sẹo lõm.
Có thể thấy rằng con đường chữa trị sẹo lõm rất khó khăn, thường phải áp dụng đồng thời 2 đến 3 phương pháp cũng như kiên trì trong một thời gian nhất định mới đem lại hiệu quả. Với cẩm nang từ A đến Z về sẹo lõm trên, Hilamdep mong rằng bạn sẽ có cách để đối phó với sẹo lõm. Chúc cách nàng sớm tìm lại được làn da đẹp không tì vết nha!
Nguồn tham khảo: http://thescienceofacne.com/the-types-of-acne-scars/
----------------
Viết review nhận quà miễn phí hàng tuần tại Hilamdep, tải app ngay tại Appstore ; Googleplay (CH Play)
Thục Quyên,
Nguồn ảnh: Internet