Làn da chúng ta có cấu tạo gồm ba lớp: biểu bì, hạ bì và mỡ dưới da - theo thứ tự từ ngoài vào trong. Và ở ngoài cùng lớp biểu bì chính là bề mặt tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cũng là bề mặt thể hiện tình trạng da rõ nét nhất – skin barrier. Hãy cùng Hilamdep tìm hiểu sâu hơn về da của mình nhé!
1. Skin barrier là gì?
Skin barrier – hay lớp màng bảo vệ da, chính là lớp ngoài cùng của biểu bì. Lớp màng bảo vệ da có chức năng ngăn chặn các chất có hại bên ngoài thâm nhập vào da, đồng thời giữ lại độ ẩm bên trong, giúp da không bị khô. Cấu tạo của lớp màng này bao gồm những acid béo, phần lớn là ceramide. Độ pH của lớp màng bảo vệ da rơi vào khoảng 4.5 đến 5.5, đây là độ pH phù hợp để ngăn chặn bụi bẩn, vi khuẩn thâm nhập.
Skin barrier - lớp màng bảo vệ da khỏi yếu tố có hại bên ngoài (Nguồn: Instagram @choiheechu)
Khi một làn da mất đi lớp màng bảo vệ, biểu hiện thường thấy nhất chính là da khô. Khi mất đi lớp màng acid béo, da sẽ mất đi khả năng giữ ẩm, dẫn đến da khô, căng và bong tróc. Chưa hết, khi đó bụi bẩn và vi khuẩn sẽ thâm nhập vào da dễ dàng hơn, gây mụn – có bao giờ bạn tự hỏi tại sao da mình khô, hoặc đã cố gắng kiềm dầu mà vẫn nhiều mụn?
Việc lớp màng bảo vệ bị tổn thương sẽ làm tình trạng da tệ đi (Nguồn: nayaglow)
2. Điều gì có thể gây hại đến lớp màng bảo vệ da của chúng ta?
- Tẩy tế bào chết quá mức: Đồng ý là khi tẩy tế bào chết bằng các loại scrub (dạng hạt), da sẽ thấy rất “đã” và mịn màng sau khi rửa lại với nước. Tuy nhiên, nếu lạm dụng tẩy tế bào chết dạng hạt quá nhiều lần trong một tuần; dùng sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý có hạt quá to, thô, hoặc góc cạnh; hoặc dùng tẩy tế bào chết vật lý khi dạ bạn rất mỏng manh nhạy cảm, thì rất dễ làm tổn thương lớp màng bảo vệ da.
Lạm dụng tẩy tế bào chết có hại cho lớp màng bảo vệ da (Nguồn: bulkapothecary)
Không chỉ tẩy tế bào chết vật lý, nếu bạn dùng tẩy tế bào chết hóa học (BHA và AHA) một cách quá liều so với sức chịu đựng của làn da, lớp màng cũng sẽ yếu dần đi, biểu hiện chính là việc da khô bong tróc.
- Thời tiết: Làn da quả thật có chút khó chiều, khi thời tiết lạnh quá hoặc nắng nóng quá đều không có lợi. Khi trời lạnh, khô hanh, da bạn sẽ mau mất nước và hao hụt độ ẩm hơn thường ngày rất nhiều. Các nàng ở Việt Nam có thể hiếm khi trải qua mùa đông lạnh giá, nhưng đừng chủ quan khi ngồi điều hòa liên tục nhiều tiếng đồng hồ. Kể cả da dầu cũng có thể bong tróc, đỏ, ngứa vì lớp màng bảo vệ da yếu dần khi trời lạnh.
Thời tiết cũng có thể khiến da yếu đi (Nguồn: Geneth Blog)
Tia mặt trời cũng là một nguyên nhân nguy hiểm khác dẫn đến lớp màng bị tổn thương, thậm chí còn nhanh hơn trời lạnh. Ấy là chưa kể tiếp xúc trực tiếp với tia mặt trời cũng tăng nguy cơ ung thư da và các bệnh khác về da. Thậm chí tắm nước nóng hay rửa mặt bằng nước nóng cũng không được khuyên dùng, vì dễ làm trôi mất lớp màng bảo vệ da. Nên đôi lúc sau khi tắm nước nóng, các nàng thấy da khô bong, không còn dầu, đỏ hồng – nhưng đó không phải dấu hiệu đáng mừng đâu.
- Độ pH: Như đã nói, độ pH chuẩn của da là 4.5 đến 5.5, những việc làm ảnh hưởng quá nhiều đến độ pH này đều có hại đến làn da. Một trong những hoạt động làm tăng pH cho da, biến da từ môi trường acid sang môi trường kiềm (mất khả năng diệt vi khuẩn) mà chúng ta thường chủ quan chính là rửa mặt.
Độ pH cao sẽ phá vỡ liên kết acid béo của lớp màng (Nguồn: sugoikbeauty)
Những loại sữa rửa mặt có độ pH quá cao (từ 7 trở lên) sẽ làm mất đi lớp màng bảo vệ da khỏe mạnh của bạn, dù cảm giác sạch dầu nhờn khá thích. Kể cả khi bạn có dùng bước toner cân bằng sau khi rửa mặt, ảnh hưởng cũng không bị mất đi, nhất là khi bạn dùng sữa rửa mặt đó hàng ngày.
3. Làm sao để bảo vệ và phục hồi?
- Tẩy tế bào chết một cách phù hợp: Không phải tất cả sản phẩm tẩy tế bào chết đều xấu, quan trọng là ở cách dùng. Đối với tẩy tế bào chết vật lý dạng hạt, bạn nên chọn những loại có hạt nhỏ, được mài tròn (thay vì hạt cứng xay ra, vẫn còn những góc nhọn nhỏ xíu mà mắt thường không thấy được) và sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì. Không nên massage quá lâu, dùng quá 2 lần/ tuần. Ngoài dạng hạt bạn cũng có thể thử dạng peeling (dạng kỳ), thích hợp hơn cho da nhạy cảm.
Nên chọn loại tẩy tế bào chết phù hợp (Nguồn: The Blushing Maiden)
Đối với tẩy tế bào chết hóa học (AHA và BHA), hãy tìm hiểu hoặc nhờ nhân viên tư vấn cho mình loại nồng độ thích hợp, không nên dùng nồng độ quá mạnh từ đầu. Nên sử dụng cách ngày để xem phản ứng của da trước khi quyết định dùng hằng ngày hoặc layer cả hai lớp AHA, BHA nhé.
- Dùng kem chống nắng: Một nguyên tắc mang tính “sống còn” của công cuộc chăm sóc da. Tác dụng, cách chọn và gợi ý cho kem chống nắng thì Hilamdep đã có nhiều bài viết trước đây, các nàng hãy tìm tham khảo nhé. Vài điều quan trọng về kem chống nắng: chọn dạng chống nắng phù hợp da (dưỡng ẩm, waterproof,...); thoa lại kem chống nắng sau 3 đến 4 giờ, tùy thời gian tiếp xúc với nắng; để ý các chỉ số SPF và PA (tiêu chuẩn là SPF 25 trở lên, PA++++).
Kem chống nắng là một bước tối quan trọng (Nguồn: Allure)
- Dưỡng ẩm, cấp nước: Hãy nhớ rằng lớp màng cấu tạo từ acid béo, nên việc có một lớp dầu trên da là rất bình thường. Đừng quên bôi kem dưỡng ẩm cho da thường xuyên nhé. Đồng thời, uống nhiều nước và bổ sung chất béo, vitamin E cũng là cách bổ sung độ ẩm cho da, giúp lớp màng tránh việc khô căng khi tiếp xúc không khí khô lạnh lâu.
- Chọn sữa rửa mặt có độ pH phù hợp: Cảm giác sạch kin kít sau khi rửa mặt có thể thích nhất thời nhưng không hề có lợi lâu dài cho da. Sữa rửa mặt tốt sẽ có độ pH phù hợp (từ 6.5 trở xuống) và không làm mất tính acid của da sau khi rửa.
Đừng chọn sữa rửa mặt có độ pH cao quá nhé (Nguồn: michellenk)
- Một số lưu ý khi chăm sóc lớp màng đã bị tổn thương: Một khi lớp màng đã tổn thương (bong tróc, đỏ, nổi mụn, breakout), các nàng hãy bình tĩnh ngồi lại, xem xét nguyên nhân và cách sửa lỗi bên trên. Ngoài ra, trong thời gian phục hồi nên tối giản bước chăm sóc da của mình lại, dùng một loại sữa rửa mặt thật nhẹ dịu và một loại kem dưỡng chỉ thuần dưỡng ẩm. Nếu tình hình trở nặng, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn về da liễu như bác sĩ, chuyên gia,...
Làn da đã bị tổn thương cần được chăm sóc nhẹ nhàng (Nguồn: Ulzzang Formation)
Kết
Skin barrier - lớp màng bảo vệ da, hay “tường thành” của làn da tưởng chừng rất cứng cáp, nhưng cũng cần được chăm sóc. Tổn thương lần đầu có thể là do yếu tố bên ngoài tác động, nhưng để da tổn thương lần hai là do chúng ta chăm sóc chưa tốt, các nàng đừng quên nhé!
Minh Châu
Nguồn hình: trên các web