Cụm từ “tế bào gốc” dạo gần đây được đề cập khá rầm rộ trên các group làm đẹp, khi mà có sự xuất hiện của ngày càng nhiều các sản phẩm đóng mác tế bào gốc (stem cell) và được xem như 1 sự đột phá trong ngành công nghiệp làm đẹp, với khả năng cải thiện các vấn đề của làn da nhanh chóng.
Đầu tư vào tế bào gốc liệu có là sự đầu tư đúng đắn?
Nếu bạn cũng đặt câu hỏi: Liệu tế bào gốc có thực sự “thần thánh” hay chỉ là những lời tung hô đầy phù phiếm của các nhà sản xuất? Hãy tham khảo thêm góc nhìn của Hilamdep về đề tài này nhé
Tế bào gốc là gì?
Từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, tế bào gốc đóng vai trò là hệ thống sửa lỗi cho cơ thể, nhờ khả năng phân chia không giới hạn để lấp đầy những tế bào thiếu hụt, nhằm thay thế cho các tế bào đã chết hoặc bị tổn thương. Đây là cách mà tế bào gốc giữ cho cơ thể cân bằng và khỏe mạnh.
Agerepair đã có 1 định nghĩa khá dễ hiểu và bao quát về tế bào gốc: “Tế bào gốc là tế bào nền móng của tất cả các loại tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể. Cơ thể chúng ta có hơn 200 loại tế bào khác nhau thực hiện các chức năng sinh lý cụ thể (tế bào da, tế bào cơ, tế bào máu, tế bào thần kinh…) Tất cả các loại tế bào này đều hình thành từ 1 vốn tế bào gốc ở giai đoạn phát triển sớm nhất của phôi thai.”
Tế bào gốc được xem là hệ thống sửa lỗi cho cơ thể
Hay nói cách khác, tế bào gốc chính là xưởng sản xuất tế bào của cơ thể.
Công nghệ tế bào gốc trong ngành công nghiệp làm đẹp?
Chính từ khả năng có thể “sửa lỗi” cho làn da mà công nghệ tế bào gốc hiện được ứng dụng để điều trị tổn thương da, bệnh da liễu, điều trị sẹo… Và tế bào gốc được sử dụng là tế bào gốc tự thân (tức là dùng chính tế bào gốc của bản thân mỗi người).
Lý do phải sử dụng tế bào gốc tự thân là bởi vì tế bào gốc chỉ phát huy hiệu quả nếu có sự phù hợp về chỉ số sinh học, theo đó tế bào gốc phát huy hiệu quả cao nhất với trường hợp cấy ghép tự thân. Nếu không có sự phù hợp sinh học, tế bào gốc sẽ hoàn toàn không có tác dụng.
Tế bào gốc tự thân được lấy từ các mô ở tầng hạ bì, sau đó được nuôi dưỡng trong môi trường đặc biệt và cuối cùng là cấy lại vào các mô dưới da để tái tạo và sửa chửa các khuyết điểm của làn da, giúp da căng mịn.
Trẻ hóa da bằng tế bào gốc đang dần "lên ngôi" tại các trung tâm thẩm mỹ
Đó là trường hợp ứng dụng tế bào gốc để “sửa chửa” làn da với sự can thiệp của kỹ thuật y học.
Vậy còn trường hợp tế bào gốc trong mỹ phẩm vẫn được quảng cáo trong thời gian qua?
Theo tiến sỹ Marko Lens: “Công nghệ tế bào gốc được sử dụng trong y học là hoàn toàn khác so với công nghệ sử dụng trong mỹ phẩm”.
Vì phần lớn tế bào gốc được sử dụng trong mỹ phẩm hiện nay là tế bào gốc thực vật nên trong bài viết đầu tiên này, mình sẽ phân tích trước về trường hợp ứng dụng tế bào gốc thực vật trong mỹ phẩm.
Tế bào gốc (thực vật) trong mỹ phẩm liệu có thực sự hiệu quả?
Tế bào gốc thực vật được chiết, tách từ gốc, rễ hoặc thân của thực vật.
Về mặt sinh học thì các tế bào gốc thực vật không hề có bất kỳ khả năng phân chia hay tái sinh trên cơ thể người, mà chỉ có thể hoạt động đúng chức năng trên cây mẹ (khi có sự phù hợp về chỉ số sinh học).
Vì vậy, về cơ bản mỹ phẩm chứa thành phần tế bào gốc thực vật cũng không có nhiều khác biệt so với các loại mỹ phẩm chiết xuất thực vật thông thường mà chúng ta đã biết.
Bác sỹ Stafford R. Brounmand cũng có giải thích thêm: “Tế bào gốc thực vật là sự tổng hợp tất cả các lợi ích mà các chiết xuất thực vật mang đến. Chúng có sự tập trung cao về nồng độ các phân tử có lợi”.
Tế bào gốc thực vật vẫn có khả năng cải thiện làn da của chúng ta
Do đó, chúng ta có thể hiểu là:
1. Khi sử dụng mỹ phẩm có chứa 1 loại tế bào gốc thực vật nào đó, lúc này làn da của chúng ta sẽ được hưởng lợi từ các tinh chất có lợi từ tế bào gốc chứ không phải bản thân tế bào gốc ở dạng “sống” như chúng ta vẫn nghĩ.
2. Và công nghệ tế bào gốc trong mỹ phẩm chính là đưa 1 tỷ lệ nồng độ tinh chất thực vật cao hơn vào trong một sản phẩm dưỡng da.
Sản phẩm chứa tế bào gốc táo Thụy Sỹ
Ví dụ với loại táo Thụy Sỹ, trong tế bào gốc của nó có chứa hàm lượng lớn acid leontopodic – một chất chống oxy hóa tự nhiên, có tác dụng vượt trội hơn cả vitamin C. Khi bạn sử dụng loại sản phẩm dưỡng da chứa thành phần tế bào gốc của táo Thụy Sỹ có nghĩa là bạn đang bổ sung tinh chất chống oxy hóa acid leontopodic chứ không phải là những tế bào “sống” từ táo Thụy Sỹ.
Kết
Thực tế, ứng dụng tế bào gốc trong làm đẹp hiện vẫn gây nhiều tranh cãi và chưa có 1 qui trình điều trị đúng chuẩn thực sự.
Tại Việt Nam, bộ Y tế vẫn chưa cấp phép lưu hành các loại mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ tế bào gốc của con người.
Còn về tế bào gốc thực vật cũng chỉ nên xem đó như là 1 thành phần chiết xuất từ thực vật thông thường. Không hẳn là chúng ta sẽ từ bỏ luôn các sản phẩm gắn mác “tế bào gốc thực vật”, chúng vẫn có ích cho làn da của chúng ta, tuy nhiên, nếu 1 sản phẩm chỉ dựa vào thành phần tế bào gốc để nâng 1 cái giá cao hơn so với giá trị thực của nó thì chúng ta mới nên xem xét có nên bỏ tiền ra để mua sản phẩm đó hay không?
Thay vì lạc lối trọng cụm từ “tế bào gốc” thì chúng mình có thể có những lựa chọn sáng suốt hơn bằng cách tìm hiểu lợi ích từ chính chiết xuất đó mang lại và nó có thực sự hiệu quả với vấn đề da mà mình muốn cải thiện không nhé.
Su Gà
Nguồn ảnh: Internet