Tự tin là một Beautyholic (Con Nghiện Làm Đẹp) nhưng có thể bạn vẫn chưa hiểu rõ tường tận những cụm từ quen thuộc như vegan, cruelty free, non GMO, natural, organic,... Điều này tưởng chừng không quan trọng nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng, thành phần, giá thành cũng như công dụng của các loại mỹ phẩm. Cùng Hilamdep tìm hiểu và giải mã tường tận những thuật ngữ ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu này nhé.
Những logo phía trên có ý nghĩa gì nhỉ? [Nguồn ảnh NorthCoastOrganics]
1. Natural
Chúng ta bắt đầu với thuật ngữ đầu tiên, thông dụng và dễ tìm gặp nhất – “Natural”. Phải, từ “Natural” được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm làm đẹp từ Ta sang Tây, thượng vàng hạ cám có đủ. Với cái mác “Natural”, người bán dễ dàng mang đến những thông điệp quảng cáo như: “Lành tính, hiền lành, thân thiện với môi trường, không độc hại, không gây kích ứng, an toàn cho sức khỏe”. Nhưng sự thật có phải thế?
“Natural” dường như là một từ khóa hot trong ngành làm đẹp [Nguồn ảnh Tipi.com]
Đúng vậy, người bán hoàn toàn không hề gian lận khi gắn mác “Natural” cho sản phẩm của họ. Nhưng chúng ta phải làm rõ điều này : “Natural có nghĩa là trong bảng thành phần có chứa ít nhất 1 nguyên liệu đến từ tự nhiên nhưng không bắt buộc tỉ lệ nhân tố này là bao nhiêu”. Điều đó đồng nghĩa với việc có thể chưa đến 1% thành phần được thêm vào là chiết xuất thiên nhiên. Và hơn 99% còn lại đều là hợp chất hóa học như cồn, hóa dầu, chất bảo quản, nước hoa… hay thậm chí là các chất độc hại hơn.
The Face Shop là một trong những thương hiệu Natural lớn [Nguồn ảnh Indian Makeup and Beauty Blog]
Thế là, mỹ phẩm được gắn mác Natural gần như chỉ như một “chiêu” kích thích người tiêu dùng khi vẽ ra những hình ảnh tuyệt vời về vấn đề an toàn cho sức khỏe. Tất nhiên, tớ không đánh đồng tất cả những loại mỹ phẩm Natural là xấu, đa phần nếu chúng đến từ các thương hiệu uy tín, bạn vẫn có thể sở hữu một sản phẩm có chất lượng tốt và an toàn.
2. Organic
Khi lối sống hiện đại bắt đầu quay lưng với những sản phẩm được tạo ra từ hóa chất thì cụm từ Organic bắt đầu trở thành một xu hướng mới. Chúng ta bắt đầu chán ngán những lọ kem dưỡng ẩm với bảng thành phần dày đặc những các tên khó hiểu và yêu mến hơn những thứ có chứa những từ như : “Extract A, Extract B”.
Một sản phẩm với bảng thành phần chuẩn Organic
Organic – tiếng Việt dịch ra có nghĩa là “hữu cơ”. Nhắc đến hữu cơ, chúng ta có thể sẽ liên tưởng đến “hóa vô cơ – hóa hữu cơ” – cơn ác mộng thời niên thiếu của không ít các bạn trẻ. Thật vậy, mỹ phẩm organic tức là những loại sản phẩm có chứa hợp chất hữu cơ. Hợp chất hữu cơ chính là những hợp chất hóa học mà các phân tử có chứa Cacbon và đa phần được tổng hợp từ cơ thể sống (trừ cacbua, cacbonat – như đá vôi, cacbon oxit, xyanua).
Hóa hữu cơ là cơn ác mộng của các bạn trẻ - nhưng cũng là nguồn gốc cho mỹ phẩm Organic [Nguồn ảnh Thánh cmnr]
Những hợp chất hữu cơ quen thuộc nhất quanh chúng ta chính là protein, chất béo, đường…. Vì thế, mỹ phẩm hữu cơ – oganic mới chính là “bàn tiệc dinh dưỡng” cho da với bảng thành phần hoàn toàn được kết tinh từ các thực thể sống tự nhiên nên sẽ ít gây dị ứng và tác hại với sức khỏe con người. Hilamdep cũng muốn nhấn mạnh một lưu ý quan trọng mà bạn cần phải nắm: Tất cả các sản phẩm “chuẩn” organic trên thị trường đều cần phải được các cơ quan như như USDA, ECOCERT… chứng nhận và gắn nhãn.
Botáni là một trong những thương hiệu mỹ phẩm Organics lớn với nhiều lời khen ngợi [Nguồn ảnh ChotinhcuaBoo]
Bên cạnh đó, organic còn ẩn chứa ý nghĩa rằng những loại thực vật được sử dụng làm thành phần trong sản phẩm đều được nuôi trồng theo hướng “sạch” - không dùng phân hóa học, hóa chất trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng….
3. Cruelty-free
Một thuật ngữ cũng không kém phần nổi tiếng chính là Cruelty-free – bạn hảo của các tín đồ yêu động vật. Như các nàng đã biết, một loại hóa phẩm trước khi tung ra thị trường nhất định phải trải qua vô số bài kiểm tra gắt gao để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tất nhiên, các hãng mỹ phẩm không thể mạo hiểm lấy chính bản thân con người để thử nghiệm nên họ sẽ sử dụng những động vật nhỏ hơn để thay thế như hamster, thỏ, khỉ, chó, mèo…. Những sinh vật ngoan hiền, đáng yêu và vô tội.
The Body Shop là một trong những thương hiệu đi đầu trong xu hướng Cruelty-free [Nguồn ảnh Milled]
Những hành động này đã gây ra không ít thương tổn cho động vật như mù mắt, hoại tử cơ thể, biến đổi gen… những nỗi đau trước khi cái chết đến. Chính vì vậy, hội những người yêu động vật đã kiên quyết bài trừ hành vi tàn nhẫn này và những sản phẩm Cruelty-free với cam kết không thực hiện thí nghiệm trên cơ thể động vật ra đời. Sử dụng những sản phẩm Cruelty-free, có nghĩa bạn đã góp phần mang lại cuộc sống tốt hơn cho những loài động vật khác quanh ta.
Sử dụng sản phẩm Cruelty-free, có nghĩa bạn đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho các loài động vật [Nguồn ảnh Ripoff Report]
4. Vegan
Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích đến khái niệm hiếm gặp hơn: Vegan. Vegan là những sản phẩm không chứa thành phần từ ĐỘNG VẬT. Chẳng hạn sáp ong, mật ong, sữa, trứng, mỡ cừu, …. Hay thậm chí là collagen (loại protein trong mô thịt và mô liên kết của động vật). Tuy vậy, khái niệm Vegan không hề có liên quan đến Cruelty-free. Tức là những sản phẩm vegan vẫn được sử dụng phương pháp thí nghiệm trên cơ thể động vật.
Vegan là những sản phẩm không chứa thành phần từ ĐỘNG VẬT
Phân biệt hai khái niệm Cruelty-free và Vegan chính là chìa khóa quan trọng nếu bạn đang tìm kiếm cho mình một thương hiệu mỹ phẩm “nhân đạo”- không làm đẹp dựa trên sự đau khổ của các loài động vật khác. Hilamdep đã từng có bài viết về ““Bóc Mẽ” Sự Tàn Bạo Phía Sau Vẻ Hào Nhoáng Của Ngành Công Nghiệp Làm Đẹp”, bạn có thể tham khảo thêm nhé.
Lush Cosmetics là một thương hiệu mỹ phẩm Vegan
5. Non GMO
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, Non GMO (hay GMO Free) - không biến đổi gen. Chúng ta có thể giải thích thuật ngữ này một cách rõ ràng hơn: Những sản phẩm này không chứa các thực thể mới được tạo ra trong phòng thí nghiệm nhờ vào kỹ thuật chỉnh sửa bộ mã gen di truyền.
Cái gì đi ngược lại tự nhiên cũng sẽ nhận lấy hậu quả [Nguồn ảnh EnviroNews Nigeria]
Thực tế, với công nghệ chuẩn đổi mã gen, các nhà khoa học đã hy vọng tạo ra những loại sinh vật mới nhằm cho ra đời những sản phẩm tốt hơn.Tuy nhiên, cái gì đi ngược lại tự nhiên cũng sẽ nhận lấy hậu quả. Bộ mã gen vốn dĩ vô cùng phức tạp mà đến giờ vẫn chưa ai tự tin nắm được tất cả. Việc làm này có thể vô hình chung tạo ra những phản ứng và sản sinh ra những loại hợp chất khác nhau, có thể mang đến những độc hại khôn lường cho sức khỏe con người và môi trường.
Nhắc đến Non GMO – chúng ta nghĩ ngay đến dòng mỹ phẩm Andalou [Nguồn ảnh Rocaille Writes]
Vậy là Hilamdep đã phân tích và giải thích tương đối tường tận về khái niệm thường thấy nhất in trên bao bì các loại mỹ phẩm. Qua bài viết này, chúng mình hy vọng sẽ cung cấp cho các nàng thêm một ít kiến thức để tìm và lựa chọn những món đồ làm đẹp phù hợp nhất với bản thân mình. Các bạn nghĩ thế nào? Cùng phản hồi dưới đây nhé.
--------------------------
Viết review nhận quà miễn phí hàng tuần tại Hilamdep, tải app ngay tại Appstore ; Googleplay (CH Play)
Carmila Tran,