Cốc nguyệt san (CNS) hẳn không còn xa lạ với chị em phụ nữ trong vài năm qua. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích được coi như một cuộc cách mạng so với băng vệ sinh, tampon, vẫn có rất nhiều đồn thổi về sự bất tiện của người bạn nhỏ mà có võ này. Câu hỏi đầu tiên, thường xuyên được đặt ra nhất chính là…
Cốc nguyệt san làm nàng mất “trinh”??
Cho nàng vài giây để trả lời nhé. Sau đó hãy đọc tiếp và nhận đáp án “KHÔNG” cho câu hỏi này ạ. Lạ lùng quá nhỉ khi mà rất nhiều người nói CNS làm rách màng trinh, , (nghĩa là) làm mất trinh của con gái mà?
Để giải thích, chúng ta hãy xem lại khái niệm “trinh tiết” và “màng trinh”, trinh tiết là khái niệm xã hội chỉ một người chưa từng quan hệ tình dục, là thứ vô hình, nằm trong suy nghĩ, quan hệ tình dục là cách duy nhất lấy đi “trinh tiết”.
Ảnh: Nicolas Bloise
Ngược lại, “màng trinh” lại là một bộ phận trên cơ thể. Ở nhiều người phụ nữ, màng trinh nằm ở cách cửa âm đạo 1-3 cm, bao gồm các mô mỏng bao phủ âm đạo. Có lẽ vì vị trí như vậy nên nhiều người đồng nhất việc “rách màng trinh” với việc “mất đi trinh tiết” mà không biết rằng, màng trinh có thể co giãn, thay đổi để thích nghi với các vận động của cơ thể hoặc thậm chí tự tiêu biến theo thời gian. Vì nằm gần lối vào, màng trinh có thể bị rách trong lúc nàng vận động mạnh, ngã,.... mà chưa chắc đã gây đau đớn nhờ khả năng co giãn của nó. Và cốc nguyệt san chỉ-có-thể làm rách màng trinh như cách mà lần ngã xe hồi bé xíu, lớp học múa hồi cấp 1 hay chiếc tampon kia làm. Và nàng biết không, rất nhiều phụ nữ không có chiếc màng này ngay từ khi sinh ra!
Ảnh: Medium @Brooke Wilder
Vậy, CNS CÓ thể làm rách màng trinh nhưng KHÔNG làm mất trinh tiết! Nàng chưa quan hệ tình dục thì trinh tiết vẫn nguyên vẹn.
Chưa quan hệ tình dục thì không được dùng cốc nguyệt san?
Sai. Quá trình đưa cốc vào yêu cầu nàng phải gập cốc, sau đó mở rộng cửa mình đưa cốc vào, rồi đi tiếp vào bên trong rộng hơn để cốc mở ra và đó chính là nơi cốc sẽ ở, bên trong âm đạo thì to hơn cửa mình nên chiếc cốc an toàn khi ở vị trí đó (thực tế thì cốc được thiết kế dựa trên cấu tạo của âm đạo mà).
Ảnh: organicup.com
Chỉ là, cửa mình của nàng còn “zin” thì chắc chắn nhỏ, bề ngang cốc khi gấp vào vẫn to hơn 1 ngón tay, quan trọng hơn là không phải nàng nào cũng mạnh dạn tự khám phá cơ thể, cho nên nếu nàng thật sự dũng cảm thì “chiến” thôi, chần chờ gì khi xét đến tính nâng cấp của em ấy nữa.
Một số cách gập cốc. Chắc hẳn không ít cô nàng cảm thấy “hoang mang” ngay cả khi nhìn thấy cốc đã gập lại. Ảnh: modernrumps.blogspot.com
Dùng cốc nguyệt san thì không đi vệ sinh được?
Sai hoàn toàn. Nàng nào mà hỏi câu này chắc là ngủ quên trong giờ sinh học lớp 8 rồi đúng không? Vùng kín của con gái có 3 lỗ: lỗ tiểu, âm đạo và hậu môn. Trong đó, lỗ tiểu dùng để đi tiểu; âm đạo là nơi để sinh sản, kinh nguyệt, QHTD và hậu môn thì tất nhiên để đại tiện. 3 cơ quan này hoạt động riêng rẽ dù bạn có đến kỳ hay không, không có cơ quan nào chèn ép cơ quan nào và càng không có chuyện 1 lỗ làm 2 chức năng như nhiều nàng đang nhầm to nhé.
Nhìn này, “em gái” của chúng mình có tận 3 lỗ, cốc nguyệt san thì nằm tít trong, vậy vì lẽ nào nàng lại hỏi câu ngây thơ này? Ảnh: New Health Advisor
Cốc nguyệt san làm giãn “em gái”?
Sai. Quá trình đưa cốc vào trong đòi hỏi miệng âm đạo phải được mở rộng ra, nhưng khi vào rồi thì chiếc cốc lại vừa vặn với phần âm đạo bên trong. Thao tác đưa vào và lấy ra mất chưa đến 1 phút đồng hồ thì sao có thể làm giãn “em gái” được? Một khi nàng chưa sinh con thì vấn đề giãn nở này có lẽ vẫn chưa cần lo lắng quá đâu nha!
Ảnh: misscoty.com
Cốc nguyệt san có gây viêm nhiễm không?
Có, nếu nàng vệ sinh, bảo quản cốc không đúng cách hoặc sử dụng cốc kém chất lượng. Còn ngược lại thì không. Nhiều nàng lo sợ việc đưa một thứ vào cơ thể sẽ làm vi khuẩn có hại dễ xâm nhập vào trong hơn. Nhưng thật ra, cốc nguyệt san hứng máu và giữ chúng ở môi trường kín khí trong âm đạo, máu không đi ra ngoài nên sẽ không bị oxy hóa và cũng không có vi khuẩn nào xâm nhập được vào trong, mà nguyên nhân chính gây viêm nhiễm lại chính là việc máu đi ra bên ngoài. Vậy nên, một khi chiếc cốc là phù hợp, chất lượng tốt, được khử trùng từ lần dùng trước thì nó còn an toàn và sạch hơn là băng vệ sinh hay tampon đó nha!
Ảnh: modibodi.co.uk
Dùng cốc thì có thể QHTD?
Sai. Hầu hết các loại cốc trên thị trường hiện nay có dạng phễu và được đặt không quá xa cửa mình nên chuyện “yêu” trong kỳ đèn đỏ ngay cả khi bạn gái có dùng cốc là không thể. Vả lại, thân thể bứt rứt, đau mỏi của nàng cũng không phù hợp để làm chuyện ấy.
Ảnh: bodyandsoul.com.au
Nghĩ đi nghĩ lại thì chiếc cốc này có rất ít khuyết điểm đúng không nào? Chẳng trách các chị em lại coi nó như một sự tiến hóa, “tôn thờ” đến vậy. Nhưng cuối cùng, dùng hay không vẫn là quyết định của bạn, không dùng cũng không sao, mà nếu dùng thì hãy chọn chất lượng uy tín và vệ sinh kỹ để bảo vệ “em gái” nha!
Một hòn đá
Nguồn ảnh: trên các web