Trong thế giới skincare thì da nhạy cảm là một kiểu da rất “khó chiều” bởi đặc tính khá đỏng đảnh, cực kì dễ bị kích ứng, dị ứng với sự thay đổi môi trường hoặc các thành phần mỹ phẩm. Bởi vậy việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da nhạy cảm không hề dễ dàng. Sau đây là 6 nguyên tắc bạn cần nhất nhất tuân theo khi xây dựng skincare routine cho da nhạy cảm!
1. Bảo vệ lớp màng tự nhiên của da
Bản thân làn da chúng ta sinh ra vốn đã có một cơ chế tự bảo vệ làn da rất tối ưu có khả năng ngăn chặn được hầu hết các vi khuẩn gây hại xâm nhập vào làn da và hạn chế tình trạng mất nước qua da. Da lúc này sẽ nhạy cảm hơn, dễ kích ứng hơn, đỏ tấy, rát ngứa, nổi mụn. Do đó, đối với làn da mong manh, dễ vỡ như da nhạy cảm thì việc giữ gìn, củng cố lớp màng này lại càng quan trọng.
Tầm quan trọng của lớp màng bảo vệ da. Ảnh: Skinna
Để bảo vệ lớp màng tự nhiên này, chúng ta cần tránh việc tẩy da chết quá đà, tránh để da cháy nắng và đặc biệt là sử dụng sữa rửa mặt có độ pH từ 5 đến 6. Ngoài ra để củng cố hàng rào này thì việc bổ sung những thành phần có khả năng phục hồi lớp màng bảo vệ da như: ceramide, saqualene/squalane, urea cũng cực kì cần thiết. Thêm vào đó cũng đừng quên cung cấp đủ độ ẩm cho lớp moisture barrier với những chất hút ẩm (humectants) như glycerin và hyaluronic acid để giữ nước trên da lâu hơn.
☼ Gợi ý sản phẩm
CeraVe Facial Moisturizing Lotion. Giá: ~370k/89ml. Ảnh: Musings of a Muse
Botani Olive Skin Serum. Giá: ~1tr/15ml. Ảnh: Fabulous and Fun Life
2. Bổ sung những thành phần làm dịu da
Đây chính là những vị cứu tinh mỗi khi làn da nhạy cảm gặp tình trạng dị ứng, mẩn đỏ, ngứa. Nếu bạn là cô gái có niềm đam mê các sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên thì chắc cũng không lạ gì chiết xuất hoa cúc, propolis (keo ong), cam thảo,… với khả năng làm dịu da tức thì. Ngoài ra, hai thành phần vitamin B3 (niacinamide) hay vitamin B5 (pathenol) cũng rất hữu ích với làn da bị tổn thương, giúp giảm kích ứng , giảm ngứa và thúc đẩy khả năng tự phục hồi của da.
☼ Gợi ý sản phẩm
Bioderma Cicabio Soothing Repairing Cream. Giá: ~344k/10ml. Ảnh: Ruqaiya Khan
Natural Pacific Real Calendula Energy Toner. Ảnh: Insta Korean Skincare & Makeup. Giá: ~480k/180ml.
3. Lựa chọn dạng thức nhẹ hơn những thành phần truyền thống (retinoids/glycolic acid/salicylic acid)
Bạn nghĩ rằng sở hữu làn da nhạy cảm thì không thể nào sử dụng các sản phẩm tẩy da chết hóa học hay retinoids? Tuy nhiên bạn cần biết rằng BHA và AHA có nhiều dạng thức và hai loại glycolic acid và salicylic acid bạn thường thấy chỉ là hai loại tẩy tế bào chết phổ biến và thông dụng nhất mà thôi. Vậy nên thế giới tẩy tế bào chết hóa học hoàn toàn mở rộng cánh cửa với những làn da mong manh, nhạy cảm với 5 thành phần sau: mandelic acid, lactic acid, PHA (thay cho AHA); betaine salicylate, LHA (thay cho BHA).
Tương tự, đối với thành phần đa năng retinoids, nếu chẳng may bị dị ứng với retinol (dạng thức phổ biến nhất) thì bạn vẫn có thể thử nghiệm retinyl palmitate hoặc retinyl propionate. Đương nhiên, những dạng thức này sẽ không thể đem lại kết quả mạnh mẽ, nhanh chóng trên da như BHA/AHA/retinol nhưng “chậm mà chắc”, việc này sẽ hạn chế tối đa tình trạng breakout cho bạn.
☼ Gợi ý sản phẩm
Wishtrend Mandelic Acid 5% Skin Prep Water. Ảnh: greenstoryblog.com. Giá: ~390k/120ml.
Derma E Anti Wrinkle Vitamin A Crème. Ảnh: The Feminine Files. Giá: ~270k/113g
4. Bắt đầu chậm với những sản phẩm đặc trị
Kể cả khi đã lựa chọn những thành phần với dạng thức nhẹ nhàng, bạn cũng nên có một khởi đầu chậm rãi. Khi lần đầu mới sử dụng, các bạn chỉ nên sử dụng 1 lần trong tuần đầu để da có thời gian làm quen rồi tăng lên 2 đến 3 lần/tuần. Thường khi sử dụng những sản phẩm đặc trị, bạn sẽ muốn lựa chọn loại mạnh nhất mà da mình có thể chịu được. Tuy nhiên lời khuyên cho những lính mới chỉ nên lựa chọn nồng độ thấp là ổn rồi.
Hãy khởi động chậm rãi và từ từ với các sản phẩm đặc trị. Ảnh:sundaymore.com
Ngoài ra bạn cũng chỉ nên sử dụng một lượng vừa đủ, tầm một hạt đậu (pea-size) cho toàn bộ khuôn mặt. Bởi sử dụng liều lượng nhiều hơn cũng không có tác dụng nhanh hơn, ngược lại còn dễ gây kích ứng cho da của bạn hơn.
5. Nên lựa chọn kem chống nắng vật lí và có SPF dưới 50
Chứa các thành phần hóa học như avobenzone, oxybenzone, sulisobenzone,… thẩm thấu vào da để lọc tia UV từ ánh nắng mặt trời nên kem chống nắng hóa học rất dễ gây kích ứng, mẩn đỏ. Ngược lại kem chống nắng vật lí chỉ hoạt động trên bề mặt da lại chứa những thành phần lành tính như Zinc Oxide và Titanium Dioxide nên khả năng gây kích ứng thấp hơn.
Những loại kem vật lí là lựa chọn phù hợp nhất cho da nhạy cảm. Ảnh: anthropologie.com
Theo các chuyên gia da liễu thì SPF 15 chặn được 93% tia UVB, SPF 30 chặn được 97% tia UVB, SPF 50 chặn được 98% tia UVB, SPF 100 chặn được 99% tia UVB. Như vậy, thực tế là chỉ số SPF cao hơn cũng không thể hiện được mức độ bảo vệ da bạn tốt hơn. Thêm vào đó, kem chống nắng có SPF càng cao thì kết cấu kem càng dày, càng dễ gây bí da. Bởi vậy, nếu sở hữu làn da nhạy cảm bạn chỉ nên lựa chọn kem chống nắng có SPF từ 30 đến 50 là đã hợp lí.
6. Chọn sản phẩm không chứa hương liệu
Khá nhiều người bị dị ứng với mùi hương, vì vậy cách tốt nhất là lựa chọn sản phẩm không có chất tạo mùi. Tuy nhiên, rất khó để xác định điều gì kích ứng bạn bởi vì hương liệu thường là sự kết hợp của nhiều mùi hương, cả mùi hương tự nhiên và mùi hương hóa học.
Những sản phẩm chứa hương liệu thường không phù hợp với da nhạy cảm. Ảnh: @darphin
Lời khuyên trong trường hợp này là cho dù thấy fragrance hay perfume trong bảng thành phần thì cũng có thể bôi thử sản phẩm ở quai hàm. Hãy test thử sản phẩm trong vòng liên tục ba ngày, nếu làn da nhạy cảm của bạn vẫn ổn thì bạn có thể sử dụng lên toàn bộ khuôn mặt.
Nắm vững 6 nguyên tắc trên để con đường chăm sóc da nhạy cảm trở nên dễ dàng hơn nhé!
Thục Quyên