Tuổi thơ của những 8x, 9x đời đầu và những thế hệ trở về trước sẽ rất quen thuộc với những quán cắt tóc vỉa hè ven đường, rợp bóng cây xanh che nắng. Nhưng thời gian trôi qua, mọi thứ đều phát triển khiến những người thợ cũng phải thay đổi để phù hợp với thời thế. Ít nhiều người thợ đã mở một tiệm cắt tóc nam hẳn hoi, hoặc số ít đổi nghề vì quá khó khăn khi phải kinh doanh trên vỉa hè, những người còn lại đã lớn tuổi thì mãi gắn với nghề này.
Khung cảnh thường thấy ở những “tiệm” cắt tóc vỉa hè
Hành Trình Tìm Đến Những Người Thợ Cắt Tóc Vỉa Hè
Chúng tôi đã khá vất vả để tìm được 3 người chịu cho chúng tôi phỏng vấn qua một vài câu hỏi ngắn. Ban đầu họ khá rụt rè với chúng tôi, nhưng sau hồi lâu thuyết phục, họ cũng đã cởi mở hơn, kể chúng tôi nghe về chuyện đời họ, những khó khăn mà họ gặp phải khi bám nghề đã lâu.
Bên dưới gốc đa mát rượi, là một tiệm cắt tóc có “tuổi đời” gần 20 năm
Tất cả các tiệm đều nằm bên những tán cây um tùm có bóng mát
Những Đổi Khác Trong Nghề Cắt Tóc Vỉa Hè Hiện Nay
Đa phần công việc kinh doanh hiện nay không được thuận lợi lắm, vì vấp phải sự cạnh tranh khá gắt gao từ các salon sang trọng thu hút giới trẻ. Những tiệm cắt tóc vỉa hè giờ đây chỉ còn là nơi lui tới của các cán bộ về hưu, những người khách quen đã cắt ở đây rất nhiều năm, hoặc là những người bình dân lâu lâu ghé. Ngoài ra, với chiến dịch “lấy lại vìa hè” trong thời gian gần đây ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự ổn định trong công việc làm ăn của họ.
Chiếc gương treo tường như dấu hiệu nhận biết của tiệm cắt tóc vỉa hè
Bộ dụng cụ hành nghề đầy đủ cho các dịch vụ từ cắt tóc, cạo râu cho đến ráy tai
Hoặc đơn giản hơn chỉ có lược và kéo, và thêm chiếc tông đơ.
Bảng Giá Dịch Vụ Vẫn Bình Dân Để Phục Vụ Khách Hàng
Giá trung bình cho một lần cắt tóc nam dao động từ 20k-30k. Những kiểu tóc thịnh hành tại những quán cắt tóc bây giờ cũng đa dạng lắm, những người trẻ tuổi sẽ thích những kiểu “càng dị càng tốt”, những người đứng tuổi hơn chỉ muốn tỉa lại một chút cho gọn gàng. Một số “salon vỉa hè” đã kịp cập nhật thêm những dịch vụ của mình, ngoài cắt tóc và ráy tai thường thấy, còn có nhuộm tóc, kiêm cả đắp mặt nạ và lột lông mặt cho những vị khách có nhu cầu. Mùa cận Tết là mùa đắt khách nhất, một ngày cắt được từ 9 đến 10 khách, còn lại chỉ tầm 5-6 khách tới lui, có hôm ngồi cả ngày chẳng có vị khách nào.
Đầu tiên, sử dụng bình xịt để làm tóc ẩm
Ngoài tông đơ, chú còn tỉa lại bằng dao lam để có sự chuẩn xác hơn
Anh sử dụng tông đơ để tỉa bớt những phần tóc dài
Và dùng kéo để tỉa lại cho hoàn chỉnh
Với ông, ông sử dụng thêm phấn cạo râu để dễ dàng cắt tóc
Và không quên phủi phấn sau khi thực hiện xong kiểu tóc cho khách
Vì Cuộc Sống, Họ Vẫn Phải Bám Trụ Với Nghề
Khi được chúng tôi hỏi còn làm nghề gì khác không, họ chỉ lặng lẽ lắc đầu, chép miệng rồi bảo “biết làm gì khác bây giờ”. Có người đến với nghề chỉ vì nó dễ học và ít tốn chi phí và dần rồi thành quen, quen tiếng xoèn xoẹt của chiếc kéo cắt tóc, quen tiếng rè rè của chiếc tông đơ, quen những câu chuyện phiếm với các vị khách tới thăm, hay đơn giản là quá quen thuộc với vỉa hè um tùm những hàng cây, tiếng xe cộ thỉnh thoảng qua lại của đất Sài Thành.
Đi Tìm Những Người “Giữ Văn Hóa” Này Ở Đâu?
Bạn có thể tìm họ dọc tại những vỉa hè gần trường học là nơi tập trung nhiều tiệm nhất, hoặc trong những hẻm lớn đông dân cư qua lại. Riêng chúng tôi có tìm được thêm một địa chỉ khá thú vị chính là gần chùa dưới chân cầu Hoàng Hoa Thám.
Tiệm cắt tóc tại góc chùa vào lúc khá đông khách
Sau mỗi nghề đều có những câu chuyện xúc động. Với nghề cắt tóc vỉa hè, những hình ảnh này càng dần thưa thớt vì sự phát triển của xã hội, để rồi khi chúng ta nhìn lại, tất cả chỉ còn trong những kỷ ức một thời.
ZoeNg,