Những năm gần đây, chúng ta thường nghe đến hai từ “thực dưỡng". Nhiều người hiểu lầm đây là phương pháp ăn chay hay ăn kiêng chỉ dành cho những người có bệnh hoặc những người tập yoga. Tuy nhiên, thực dưỡng dành cho tất cả mọi người, những người mong muốn có một cơ thể khỏe mạnh, “ăn có ý thức”.
Thực dưỡng là phương pháp ăn cân bằng âm dương
Phương pháp “thực dưỡng” (Macrobiotics) là “phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống”. Phương pháp được khám phá bởi giáo sư người Nhật có tên Sakurazawa Nyoichi (George Ohsawa). Phương pháp này phát triển mạnh ở Nhật Bản sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Thực dưỡng sau đó được thế giới biết đến rộng rãi vào năm 1982, qua những tờ báo có uy tín trên thế giới như Paris Match (Pháp), tờ Life (Mỹ) đăng tải về trường hợp của bác sĩ Anthony Sattilaro, giám đốc Bệnh viện Methodist, bang Philadelphia (Mỹ) đã chữa lành bệnh ung thư xương bằng chế độ ăn ăn gạo lứt + muối vừng. Thực dưỡng sau đó trở nên phổ biến, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là một phương pháp phòng và chữa bệnh.
Ông Ohsawa – cha đẻ của phương pháp thực dưỡng
Hàng ngày, chúng ta nạp vào cơ thể biết bao thức ăn không có lợi cho sức khỏe, chưa kể đến thực phẩm bẩn, thịt được nuôi tăng trọng hay cá nhiễm hóa chất do nước biển ô nhiễm. Thực dưỡng Ohsawa xuất phát từ triết lý âm dương trong triết học Trung Hoa. Điểm hội tụ của triết lý và thực hành nằm chính yếu ở thực phẩm và sự ăn uống. Theo Ohsawa, nếu chúng ta được nuôi dưỡng bằng thực phẩm phù hợp, dựa trên nền tảng quy luật của vũ trụ, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động điều hòa, không những sức khỏe được phục hồi mà còn khiến cho trí óc trở nên sáng suốt và có khả năng nhận thức được chân lý, có nghĩa là, thể tính trật tự của vũ trụ và nhân sinh.
Thực dưỡng chú trọng các sản vật thiên nhiên từ môi trường ta sinh sống
Giới sinh học
Âm | Dương | |
Giới | Thực vật | Động vật |
Thực vật | Rau củ | Ngũ cốc |
Thần kinh | Trực giao cảm | Phó giao cảm |
Giới tính | Nữ (cái) | Nam (đực) |
Vị | Cay, chua, ngọt | Mặn, đắng |
Vitamin | C, B2, B12, Pp, B1, B6 | D, K, E, A |
Nguồn: Triết lý y học Viễn Đông, Georges Ohsawa, Huỳnh Văn Ba dịch và The Book of Macrobiotic của Michio Kushi
Thực dưỡng thực ra đã bắt đầu xuất hiện và phổ biến tại Việt Nam từ trước năm 1975 tại miền Nam, với tên gọi phổ biến là Gạo lứt muối mè (xuất phát từ việc sử dụng gạo lứt làm nền tảng của phương pháp này).
Gạo lứt và các loại hạt là nền tảng của thực dưỡng
Nói thật đơn giản, “Thực dưỡng” là “phương pháp áp dụng các nguyên tắc ăn uống chú trọng đạt tới sự cân bằng thư thái cho cơ thể, dựa trên những nguyên liệu và phương pháp chế biến truyền thống.” Thực dưỡng là một thế giới thăng hoa nhưng giản dị, nghiền ngẫm và vui thú cùng rau củ. Thực dưỡng tuy không phải là phương pháp tu hành của một tôn giáo nào nhưng lại cho người ta cảm nhận gần gũi về sự “giác ngộ” trong Phật giáo, đó là sự đào sâu, lắng nghe và trân trọng chính mình. (Theo Nguyễn Anh Vũ – website bepthucduong)
Vui vầy cùng các loại rau củ thiên nhiên không hóa chất
Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, rất nhiều người vì tiện đã ăn những thức ăn không có lợi cho cơ thể như đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường, ...gây nên mất cân bằng âm dương, dẫn đến mắc những căn bệnh lạ và khó điều trị làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Trước đây, ai cũng nghĩ, ăn là một việc đơn giản, chỉ cần nạp năng lượng vào cơ thể để sống. Nhưng để “ăn có trách nhiệm” với bản thân mình mới thực là việc khó.
“Ăn có trách nhiệm” với bản thân mình mới thực là việc khó.
Xét trên phương diện tâm lý, thức ăn và cách ăn có tác dụng mạnh tới nhận thức, suy nghĩ của não bộ con người, nếu ăn đúng thì nhận thức đúng, hành động đúng và ngược lại. Theo quan niệm của giáo sư Ohsawa, thức ăn vào cơ thể tạo thành máu và tạo nghiệp, ăn uống sai thì bệnh tật đến và vọng niệm phát sinh. Ăn uống đúng thì cơ thể khỏe mạnh và tâm trí an vui.
Giáo sư Ohsawa khuyến khích người thực hiện chế độ thực dưỡng nên tránh xa các loại Đường tinh luyện, Đường cát trắng vì chúng là loại thức ăn cực âm khiến con người trở nên bệnh tật và chán nản. Gạo lứt không đủ sức hóa giải những hóa chất trong bánh kẹo và các loại thực phẩm chế biến khác, cho nên bạn nên tránh xa bất kể loại hóa chất nào, kể cả loại hóa chất đã được cấp phép sử dụng đi chăng nữa.
Tránh xa các loại đường
Ăn uống theo chế độ thực dưỡng đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Khẩu phần ăn chỉ cần có gạo lứt (>60%), muối mè, một chút rau xanh không sử dụng phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu. Khi ăn phải nhai kỹ, ăn ít và uống ít nước, nếu làm việc tay chân nhiều thì mới nên ăn nhiều. Chúng ta cũng không nên uống nước quá lạnh vì thức uống này làm trì trệ hệ tiêu hóa.
Nên uống các loại trà, đồ uống ấm tốt cho tiêu hóa
Các bạn đừng nghĩ, chế độ ăn thực dưỡng nhàm chán và đơn điệu. Có rất nhiều món ngon như pizza thực dưỡng, phở thực dưỡng, củ cải kho với đậu phụ và ngó sen,...
Thực dưỡng cũng có rất nhiều món ngon
Hãy thử "ăn có trách nhiệm" với bản thân và lắng nghe sự thay đổi của cơ thể.
Miley tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet & bepthucduong.