Ngày nay, để giúp nụ cười trở nên rạng rỡ và tỏa sáng, không ít người đã tìm đến các phương pháp niềng răng – chỉnh nha. Nhưng trước khi sở hữu nụ cười hằng mơ ước, bạn sẽ phải trải qua quá trình nắn chỉnh răng phức tạp với nhiều giai đoạn khác nhau. Hãy cùng Hilamdep tìm hiểu những điều cần biết nếu bạn đang có ý định niềng răng nhé!
Niềng răng có thể mang lại cho bạn những lợi ích không ngờ
Niềng răng – chỉnh nha là phương pháp điều trị thẩm mĩ trong lĩnh vực nha khoa để cải thiện tình trạng răng thưa, hô, móm, khấp khểnh thường gặp phải. Không những cải thiện về mặt thẩm mĩ, việc niềng răng cũng có thể mang lại cho bạn những lợi ích không ngờ:
- Có thể khiến khuôn miệng trở nên đẹp, hài hòa với mặt hơn do răng được điều chỉnh vào đúng vị trí.
- Cải thiện khớp cắn giúp cho việc ăn nhai tốt hơn.
- Tránh được các bệnh răng miệng do răng mọc sai lệch dẫn đến khó vệ sinh gây sâu răng, viêm lợi.
Lứa tuổi nào nên niềng răng?
Khoảng thời gian tốt nhất để niềng răng thường trong khoảng 9 đến trước 18 tuổi
Với kĩ thuật tiên tiến của nha khoa hiện đại, hầu hết mọi lứa tuổi đều có thể thực hiện nắn, chỉnh nha trong khoảng thời gian trung bình từ 8 đến 30 tháng. Tuy nhiên, từ 9 đến 17 tuổi là thời kì lý tưởng nhất cho việc đeo niềng, bởi giai đoạn này, cấu trúc xương rất dễ uốn nắn và có thể rút ngắn thời gian niềng răng.
Qúa trình niềng răng bao gồm?
Tùy vào tình trạng, cơ địa mỗi người mà quá trình niềng răng sẽ tiến triển khác nhau
Giai đoạn tiền chỉnh nha: Trong giai đoạn này, bác sĩ thường sẽ thăm khám, chụp X-Quang, lấy mẫu hàm để tư vấn cụ thể kế hoạch điều trị cho bạn.
Giai đoạn bắt đầu niềng răng: Ở giai đoạn này, bạn có thể sẽ phải nhổ răng, mài kẽ để tạo khoảng trống cho răng di chuyển và bắt đầu gắn các khí cụ như dây cung, mắc cài.
Giai đoạn theo dõi quá trình niềng răng: Bạn thường sẽ ghé thăm nha sĩ khoảng 1 tháng 1 lần để thay thun, dây cung và tăng lực kéo nhằm đưa răng đi vào đúng vị trí theo hướng điều trị.
Giai đoạn kết thúc: Sau khi tháo niềng, bạn sẽ vẫn được mang khí cụ duy trì (có thể đeo mỗi tối hoặc cố định ở mặt trong răng) nhằm giúp răng không chạy trở về vị trí cũ và có thể tự tin với diện mạo mới của hàm răng.
Có các phương pháp niềng răng nào?
Ngày nay có rất nhiều phương pháp niềng răng để lựa chọn
Tất cả các loại mắc cài phong phú hiện nay đều nhằm mục đích đưa răng bạn về đúng vị trí, giúp răng đều và đẹp hơn. Tuy nhiên, mỗi loại đều có ưu và nhược điểm khác nhau nhằm đáp ứng các tiêu chí về nhu cầu thẩm mỹ hay thời gian điều trị tùy theo sự lựa chọn của bạn.
Mắc cài kim loại truyền thống
Mắc cài kim loại là phương pháp được sử dụng rất phổ biến
Mắc cài kim loại là loại mắc cài thường được sử dụng nhất trong chỉnh nha, được làm bằng vàng, bạc hay thép không gỉ đi cùng với dây cung đàn hồi. Tuy không đạt được tính thẩm mĩ cao nhưng mắc cài kim loại lại có giá thành phải chăng, thời gian niềng thường nhanh hơn mắc cài sứ và mắc cài mặt trong thẩm mĩ.
☆ Ưu điểm:
• Giá thành tương đối rẻ so với những loại mắc cài khác
• Có nhiều loại thun màu sắc để lựa chọn khi gắn
• Thời gian niềng khá nhanh
☆ Nhược điểm:
• Mắc cài có tính thẩm mỹ không cao.
☆ Loại răng phù hợp?
Mắc cài kim loại có độ bền chắc cao nên có thể phù hợp với hầu hết các trường hợp hô, móm, khấp khểnh từ nhẹ đến trung bình hoặc nặng.
☆ Giá thành: khoảng từ 18 đến 30 triệu đồng.
Cô người mẫu Kendall Jenner cũng từng sử dụng mắc cài kim loại để chỉnh nha
Mắc cài sứ thẩm mĩ
Mắc cài sứ có tính thẩm mĩ cao nhưng thời gian niềng có thể kéo dài hơn so với mắc cài kim loại
Mắc cài sứ là loại mắc cài có kích thước và hình dạng giống như mắc cài kim loại nhưng có màu giống hoặc trong suốt gần như màu răng. So với kim loại, mắc cài sứ thân thiện với cơ thể nhờ chất liệu sứ nguyên chất và mắc cài ít gờ cạnh nên không quá gây vướng víu cho môi và má.
☆ Ưu điểm:
• Có tính thẩm mĩ cao
☆ Nhược điểm:
• Giá thành cao hơn so với mắc cài kim loại
• Thời gian niềng có thể kéo dài lâu hơn (từ khoảng 3 đến 6 tháng)
☆ Loại răng phù hợp?
Ngoại trừ trường hợp khớp cắn ngược quá sâu hay thường xuyên chơi thể thao, hoạt động mạnh có thể khiến mắc cài bung, vỡ và tiêu tốn thêm chi phí để thay thế thì mắc cài sứ là sự lựa chọn mang tính thẩm mĩ và hiệu quả tốt.
☆ Giá thành: khoảng 32 đến 38 triệu đồng
Mắc cài tự đóng
Mắc cài tự đóng(tự buộc) giúp quá trình niềng răng diễn ra nhanh chóng hơn
Khác với mắc cài cổ điển, mắc cài tự đóng (kim loại và sứ) được thiết kế không sử dụng thun cố định dây cung, mắc cài nhằm giảm ma sát và giúp răng di chuyển nhanh hơn. Hơn nữa, mắc cài tự đóng có thiết kế nhỏ gọn và mỏng hơn so với mắc cài thường nên ít gây ra vướng víu và dễ dàng chăm sóc răng miệng. Các nha sĩ thường khuyên bệnh nhân sử dụng mắc cài tự đóng bởi loại mắc cài này thường cho hiệu quả tốt và nhanh hơn so với mắc cài thông thường.
☆ Ưu điểm:
• Thời gian niềng được rút ngắn
• Nhỏ, gọn, dễ chịu hơn so với mắc cài truyền thống
☆ Nhược điểm:
• Giá thành tương đối cao
☆ Loại răng phù hợp
Mắc cài tự đóng có thể phù hợp với đa số tình trạng răng lệch lạc như mắc cài truyền thống và mang lại kết quả nhanh hơn.
☆ Giá thành: khoảng 30 đến 48 triệu đồng
Mắc cài sứ và kim loại tự buộc
Mắc cài mặt lưỡi (mắc cài mặt trong)
Mắc cài mặt lưỡi được đặt ở mặt trong của răng, rất khó bị phát hiện
Mắc cài mặt lưỡi là loại mắc cài kim loại được gắn ở mặt trong (phía bên trong) của răng, thời gian niềng thường kéo dài khoảng 18 đến 36 tháng. Mắc cài mặt trong có thể gây kích thích, sưng lưỡi cũng như khó vệ sinh.
☆ Ưu điểm:
• Có tính thẩm mĩ rất cao vì gần như người khác không thể nhìn thấy được
• Hạn chế khả năng tuột mắc cài do mắc cài nằm ở mặt trong
☆ Nhược điểm:
• Đòi hỏi tay nghề bác sĩ cao và không thể sử dụng cho những ca niềng răng phức tạp
• Khó làm sạch răng, gây khó chịu, đau lưỡi
• Chi phí đắt gấp nhiều lần so với mắc cài truyền thống
☆ Loại răng phù hợp?
Loại mắc cài thẩm mỹ mặt trong chỉ có thể áp dụng cho những trường hợp răng lệch lạc nhẹ và có kích thước tương đối bình thường, răng quá nhỏ có thể không sử dụng được loại mắc cài này.
☆ Giá thành: khoảng 80 đến 140 triệu đồng.
Invisalign
Mắc cài Invisalign có thể tháo rời và mang tính thẩm mĩ rất cao
Phương pháp Invisalign sử dụng những khay nhựa trong (Aligner) để làm thẳng răng và điều chỉnh các lệch lạc khớp cắn. Bạn có thể tự tháo lắp các khay aligner, thay khay mới sau khoảng mỗi 2 tuần trong suốt quá trình niềng kéo dài từ 1 đến 2 năm.
☆ Ưu điểm
• Có thể tháo lắp khay dễ dàng, hầu như không nhìn thấy khay niềng
• Dễ dàng giữ vệ sinh răng miệng sau khi ăn uống
☆ Nhược điểm
• Giá thành khá cao vì phải nhập khay từ Mỹ, chưa có sẵn ở Việt Nam
• Thời gian điều trị lâu hơn so với mắc cài cố định
☆ Loại răng phù hợp?
Hiệu quả của phương pháp Invisalign phụ thuộc vào độ ổn định của răng người được điều trị, thường không được khuyên áp dụng cho các trường hợp răng hô, móm, khấp khểnh nặng mà chỉ cho những hàm răng lệch lạc nhẹ.
☆ Giá thành khoảng 70 đến 140 triệu đồng.
Tùy theo tình trạng răng, nhu cầu thẩm mĩ và điều kiện mà bạn có thể chọn loại mắc cài phù hợp
Với công nghệ hiện đại, các phương pháp niềng đều có thể áp dụng với hầu hết tình trạng răng. Vì thế, tùy theo nhu cầu thẩm mĩ, điều kiện kinh tế, thời gian cũng như sự tư vấn của nha sĩ bạn có thể lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên với những tình trạng răng lệch lạc, hô, móm nặng, nha sĩ thường khuyên sử dụng phương pháp niềng mắc cài cố định truyền thống sẽ mang đến hiệu quả cao hơn.
Gợi ý một số nơi niềng răng uy tín
☆ Hà Nội
- Bệnh viện răng hàm mặt trung ương (40 Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm)
- Nha khoa quốc tế Việt Đức (166 Thái Hà, Đống Đa)
- Nha khoa bác sĩ Hải (Số 1 Hàng Tre, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm)
☆ TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM (201A Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5)
- Bệnh Viện Đại Học Y Dược (215 Hồng Bàng, phường 11, Quận 5.
Hy vọng các cô gái của Hilamdep qua bài viết này có thể hiểu thêm, dễ dàng đưa ra sự lựa chọn và sớm sở hữu nụ cười tỏa nắng đúng như mơ ước nhé!
Mia,
Nguồn ảnh: Internet